Giới thiệu
Mô hình kênh giá (Price channel) gồm hai đường xu hướng song song dốc lên hoặc dốc xuống. Đường kênh trên đóng vai trò là kháng cự và đường kênh dưới đóng vai trò hỗ trợ. Kênh giá dốc lên được gọi là kênh giá tăng (bullish price channel), và kênh giá dốc xuống được gọi là kênh giá giảm (bearish price channel).
Diễn giải
1. Đặc điểm của mô hình kênh giá
- Đường xu hướng chính (Main Trend Line): Đường này cần đi qua ít nhất hai đỉnh nếu là kênh giảm và đi qua ít nhất hai đáy nếu là kênh tăng. Đây là đường biểu thị xu hướng chính và tạo ra độ dốc cho kênh giá.
- Đường kênh (Channel Line): Đường kênh được vẽ song song với đường xu hướng chính. Lý tưởng nhất là đường này đi qua ít nhất hai đỉnh/đáy. Một số trader chỉ cần một đỉnh/đáy để vẽ đường kênh sau khi vẽ được đường xu hướng chính. Đường kênh đóng vai trò là hỗ trợ trong kênh giá giảm và kháng cự trong kênh giá tăng.
- Kênh giá tăng: Miễn là giá di chuyển trong phạm vi một kênh giá dốc lên, xu hướng được coi là tăng. Khi giá không thể tiếp cận đường kênh (kháng cự), đó là cảnh báo đầu tiên của một sự đảo chiều xu hướng. Dấu hiệu đảo chiều rõ ràng hơn khi giá phá vỡ đường xu hướng chính. Nếu giá phá vỡ lên trên đường kênh, đó là dấu hiệu giá đang tăng mạnh hơn.
- Kênh giá giảm: Miễn là giá di chuyển trong phạm vi một kênh giá dốc xuống, xu hướng được coi là giảm. Khi giá không thể tiếp cận đường kênh (hỗ trợ), đó là cảnh báo đầu tiên của một sự đảo chiều xu hướng. Dấu hiệu đảo chiều rõ ràng hơn khi giá phá vỡ đường xu hướng chính. Nếu giá phá vỡ xuống dưới đường kênh, đó là dấu hiệu giá đang giảm mạnh hơn.
- Thang đo (Scaling): Mặc dù việc sử dụng thang đo nào tùy thuộc vào quan điểm cá nhân, các đường xu hướng thường sẽ khớp với các đỉnh/đáy tốt nhất khi sử dụng thang đo semi-log, một thang đo phản ánh giá qua tỉ lệ phần trăm. Ví dụ, khoảng cách khi giá di chuyển từ 50 đến 100 sẽ bằng khoảng cách khi giá di chuyển từ 100 đến 200.
Lưu ý: Thị trường Forex có mức biến động thấp hơn thị trường chứng khoán; vì vậy trader nên sử dụng thang đo số học (thang đo mặc định trên hầu hết các chương trình chạy biểu đồ Forex).
2. Phân tích mô hình kênh giá trên biểu đồ thực tế
Biểu đồ CSCO cho ta một ví dụ về một kênh tăng đã kéo dài 11 tháng trong năm 1999.
- Đường xu hướng chính: Đường xu hướng chính bắt đầu hình thành từ các đáy tháng 1, 2 và 3 và sau đó được xác nhận và củng cố bằng các đáy tháng 4, 5 và 8
- Đường kênh: Khi có đường xu hướng chính, ta vẽ được một đường kênh bắt đầu từ đỉnh tháng 1. Để đảm bảo độ chính xác cao hơn, một số nhà phân tích sẽ đo độ dốc của từng đường; tuy nhiên, trader chỉ cần hiểu bản chất của mô hình và đánh giá trực quan là đủ.
- Kênh giá tăng: Những lần giá chạm đường xu hướng chính vào giữa tháng 4, cuối tháng 5 và giữa tháng 8 mang đến những cơ hội tốt để mua.
- Giá không chạm đường kênh cho đến tháng 7 (mũi tên đỏ); và lúc này giá lập một đỉnh mới khá quan trọng.
- Đỉnh tháng 9 (mũi tên màu xanh) chỉ cách đường kênh một khoảng cách không đáng kể.
- Giá tăng mạnh hơn sau khi phá vỡ đường kênh vào tháng 12 năm 1999. Một số trader có thể sẽ cho rằng giá đã tăng quá mức; nhưng sóng tăng đó thực sự mạnh mẽ và chưa cho thấy bất kì dấu hiệu đảo chiều nào. Kênh giá không thể tồn tại mãi mãi; nhưng xu hướng cơ bản vẫn tồn tại cho đến khi nó có biểu hiện đảo chiều.
Lưu ý
Mặc dù việc giá chạm đường xu hướng một cách chuẩn xác hay việc đường kênh phải tuyệt đối song song với đường xu hướng chính là những yếu tố lý tưởng; đánh giá độ hiệu quả và vị trí của đường xu hướng chính và đường kênh tùy thuộc vào quan điểm cá nhân của mỗi người. Phân tích kĩ thuật là một môn nghệ thuật hơn là một môn khoa học; trader nên có sự linh hoạt khi vận dụng.
Trong kênh tăng, một số trader mua khi giá chạm đường xu hướng chính. Ngược lại, trong kênh giảm, họ bán khi giá chạm đường xu hướng chính. Như với hầu hết các mô hình giá khác, trader nên xem xét các khía cạnh khác của phân tích kỹ thuật để xác nhận các tín hiệu mua/bán.
Tham khảo: Sotckchart
Đăng ký nhận tin từ VNFX
Để luôn được cập nhật tình hình thị trường sớm nhất