Giới thiệu khái quát
Hỗ trợ và kháng cự đại diện cho các mức hoặc vùng giá quan trọng, nơi các lực cung và cầu gặp nhau. Trong thị trường tài chính, giá được thúc đẩy bởi sự vượt ngưỡng của cung (thị trường giảm) và cầu (thị trường tăng). Cung có mối liên hệ với sự giảm giá, thị trường con gấu và việc bán ra. Cầu đồng nghĩa với sự tăng giá, thị trường phe bò giá và việc mua vào.
Các thuật ngữ này được sử dụng luân phiên trong bài viết này và các bài viết khác. Khi nhu cầu tăng, giá sẽ tăng và khi lượng cung tăng, giá sẽ giảm. Khi cung và cầu cân bằng, giá sẽ đi ngang do phe mua và bán đang tranh giành thế kiểm soát.
Diễn giải về hỗ trợ và kháng cự
1. Hỗ trợ là gì?
Hỗ trợ là mức giá mà tại đó lực cầu được cho là đủ mạnh để ngăn giá giảm sâu hơn. Logic ở đây là khi giá giảm hướng đến mức hỗ trợ, người mua có xu hướng mua nhiều hơn và người bán có xu hướng bán ít hơn. Vào thời điểm giá tiếp cận mức hỗ trợ, nhu cầu được tin rằng sẽ lớn hơn nguồn cung và ngăn giá giảm xuống dưới mức hỗ trợ.

Tuy nhiên, mức hỗ trợ không phải lúc nào cũng đứng vững, và khi một mức hỗ trợ bị phá thì nó cho thấy phe bán đã chiến thắng phe mua. Sự sụt giảm (của giá) dưới mức hỗ trợ cho thấy một lực cung mới và/hoặc sự suy yếu của phe mua.. Sự phá vỡ mức hỗ trợ và tạo đáy mới báo hiệu rằng bên bán đã giảm kỳ vọng và sẵn sàng bán với giá thấp hơn. Thêm vào đó, bên mua không thể mua cho đến khi giá giảm xuống dưới mức hỗ trợ hoặc dưới đáy trước đó. Khi hỗ trợ bị phá vỡ, một mức hỗ trợ khác sẽ được thiết lập ở mức thấp hơn.
Hỗ trợ được tạo ra ở đâu?
Các mức hỗ trợ thường thấp hơn giá hiện tại, nhưng không có gì lạ khi một sảm phẩm được giao dịch tại/gần mức hỗ trợ. Vì phân tích kỹ thuật không chính xác hoàn toàn nên việc cố gắng thiết lập các mức hỗ trợ chính xác thường rất khó khăn. Ngoài ra, biến động giá có thể rất lớn khiến giá giảm dưới mức hỗ trợ trong phút chốc rồi tăng trở lại. Vì lý do này, một số trader và nhà đầu tư thiết lập các vùng hỗ trợ.
2. Kháng cự là gì?
Kháng cự là mức giá mà tại đó lực cung được cho là đủ mạnh để ngăn giá tăng cao hơn nữa. Logic ở đây là khi giá tăng hướng đến mức kháng cự, người bán có xu hướng bán nhiều hơn và người mua có xu hướng ít mua hơn. Vào thời điểm giá tiếp cận mức kháng cự, nguồn cung được tin sẽ lớn hơn nhu cầu và ngăn giá tăng lên trên mức kháng cự.

Giống như mức hỗ trợ, mức kháng cự không phải lúc nào cũng đứng vững; nếu mức kháng cự bị phá thì nó báo hiệu phe mua đã chiến thắng phe bán. Việc phá vỡ lên trên mức kháng cự cho thấy một lực cầu mới và/hoặc sự suy yếu của phe bán. Sự phá vỡ mức kháng cự và tạo đỉnh mới báo hiệu rằng bên mua đã giảm kỳ vọng và sẵn sàng mua với giá cao hơn. Thêm vào đó, bên bán không thể bán cho đến khi giá tăng lên trên mức kháng cự hoặc trên đỉnh trước đó. Khi kháng cự bị phá vỡ, một mức kháng cự khác sẽ được thiết lập ở mức cao hơn.
Kháng cự được tạo ra ở đâu?
Các mức kháng cự thường cao hơn giá hiện tại, nhưng không có gì lạ khi một sản phẩm được giao dịch tại hoặc gần mức kháng cự. Ngoài ra, biến động giá có thể rất lớn khiến giá tăng lên trên mức kháng cự trong phút chốc rồi giảm trở lại. Vì lý do này, một số trader và nhà đầu tư thiết lập các vùng kháng cự.
3. Kháng cự và hỗ trợ được xác định như thế nào?
Hỗ trợ và kháng cự gồm nhiều đặc điểm chung một cách đối lập.
Đỉnh và đáy
Hỗ trợ được xác định qua các đáy trước đó, trong khi kháng cự được xác định nhờ các đỉnh trước đó.

Biểu đồ Halliburton (HAL) ở trên cho thấy một vùng giá đi ngang (sideways) lớn giữa tháng 12/1999 và tháng 3/2000. Hỗ trợ được xác định qua mức đáy của tháng 10 ở quanh vùng giá 31. Vào tháng 12, giá đã quay lại hỗ trợ quanh mức 35 và hình thành một đáy ở mức khoảng 33. Cuối cùng, vào tháng 2, giámột lần nữa quay trở lại mức hỗ trợ và hình thành đáy khoảng 32.5.
Sau mỗi lần bật lên từ mức hỗ trợ, giá đều hướng tới mức kháng cự. Chú ý vùng giá chuyển đổi 42.5 (màu đỏ). Sau khi giá phá mức này từ trên xuống dưới – tạo đáy trong tháng 10 – và không thể vượt qua khi tái kiểm tra (retest) vào tháng 11 thì mức giá này đã trở thành kháng cự (xác nhận). Giá sau đó có tiếp cận lại vùng 42.5 này 2 lần nhưng đều không thể vượt qua.
Hỗ trợ chuyển thành kháng cự và ngược lại
Một nguyên tắc phân tích kỹ thuật khác quy định rằng hỗ trợ có thể trở thành kháng cự và ngược lại. Khi giá phá vỡ một mức hỗ trợ, mức hỗ trợ đó có thể trở thành kháng cự. Việc phá vỡ mức hỗ trợ báo hiệu rằng cung đã vượt cầu. Do đó, nếu giá quay trở lại mức này, lực cung có thể sẽ mạnh lên, và do đó kháng cự sẽ phát huy tác dụng.
Ngược lại, kháng cự cũng có thể trở thành hỗ trợ. Việc giá tăng lên trên ngưỡng kháng cự báo hiệu những thay đổi về cung và cầu. Sự phá vỡ mức kháng cự chứng tỏ rằng lực cầu đã áp đảo lực cung; nếu giá trở lại mức này, lực cầu có thể sẽ mạnh lên, và do đó mức hỗ trợ sẽ được thiết lập.

Trong ví dụ này với Chỉ số NASDAQ 100 ($NDX), chú ý mức giá 935 (đường màu đỏ). Trước khi giá phá mức này từ dưới lên trên (vào tháng 5/1997), nó đóng vai trò là một mức kháng cự. Còn sau đó nó đóng vai trò là một mức hỗ trợ, thực tế giá cũng đã tái kiểm tra (retest) mức hỗ trợ này nhiều lần sau đó.

Trong ví dụ trên với PeopleSoft (PSFT), có thể thấy hỗ trợ có thể trở thành kháng cự và sau đó lại trở thành hỗ trợ. Biểu đồ PeopleSoft cho thấy một mức hỗ trợ ở vùng giá 18 có hiệu lực trong vùng khoanh tròn xanh. Sau đó phe bán áp đảo phe mua, phá vỡ vùng hỗ trợ này và biến nó thành vùng kháng cự (vùng khoanh tròn đỏ). Cuối cùng nó lại bị phá lên trên và chuyển đổi một lần nữa.
Vùng giá đi ngang (sideways)
Vùng giá đi ngang (sideways) đóng vai trò là một mô hình đảo chiều hoặc tiếp diễn. Vùng sideways là khoảng thời gian giá di chuyển trong một phạm vi tương đối hẹp được giới hạn bởi một đường kháng cự và một đường hỗ trợ. Điều này báo hiệu rằng lực cung và cầu đang cân bằng. Khi giá vượt ra khỏi vùng này, phá lên trên hoặc xuống dưới, sẽ có một bên là kẻ chiến thắng. Một sự phá vỡ lên trên báo hiệu một chiến thắng cho phe mua (lực cầu) và một sự phá vỡ xuống dưới báo hiệu một chiến thắng cho phe bán (lực cung).

Sau một chuỗi tăng dài từ mức giá 27 đến 64, WorldCom (WCOM) bước vào một thời kỳ đi ngang trong khoảng giá từ 55 đến 63 trong khoảng 5 tháng. Có một sự phá vỡ giả (false-break) vào giữa tháng 6 khi giá nhô lên trên 62 (hình oval màu đỏ). Điều này đã không kéo dài lâu; một vài ngày sau đó một gap down xuất hiện đã đẩy giá giảm trở lại. Giá sau đó đã phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 55 vào tháng 8/1999 và được giao dịch ở mức 50. Giá retest mức 55 thêm hai lần nữa trước khi giảm sâu hơn và đó cũng là một ví dụ cho việc hỗ trợ chuyển thành kháng cự. Điều này tất nhiên không phải lúc nào cũng xảy ra nhưng việc giá retest mức kháng cự mới mang đến cơ hội cho phe mua thoát lệnh và quay trở lại thị trường với lệnh bán.

Vào tháng 11 và 12 năm 1999, giá Lucent Technologies (LU) đã hình thành một vùng sideways giống như mô hình vai đầu vai (hình oval màu đỏ). Khi giá phá vỡ hỗ trợ ở mức 60, có rất ít hoặc không có thời gian để thoát lệnh. Mặc dù cây nến đỏ dài biểu thị giá mở cửa ở mức 59, giá LU đã giảm rất nhanh đến mức khó có thể thể thoát lệnh trên mức 44. Nhìn chung, đường hỗ trợ có thể được vẽ dưới dạng đường xiên như đường màu xanh trên hình và sự phá vỡ bắt đầu từ cây nến đỏ mở cửa ở mức 61, chỉ cao hơn mức phá vỡ 1 điểm và trader sẽ phải hành động ngay lập tức để tránh đợt giảm giá mạnh sau đó. Các đáy trước đó khá “ăn khớp” với đường cổ (màu xanh), và đó là điều trader cần xem xét.
Sau khi giá Lucent sụt giảm, một vùng sideways trong khoảng từ 40,5 đến 47,5 xuất hiện và kéo dài trong gần hai tháng (hình oval màu xanh lục). Mức kháng cự của vùng sideways được thiết lập bởi ba đỉnh ở mức 47,5. Mức hỗ trợ không được rõ ràng, nhưng có thể nằm trong khoảng từ 40 đến 41. Cơ hội mua vào xuất hiện trong tháng 2 với mô hình pin bar tăng. Giá sau đó đã hình thành hai khoảng trống giá vào ngày 24/2 và ngày 25/2, và cuối cùng đóng cửa trên ngưỡng kháng cự tại mức 48. Đây là một dấu hiệu rõ ràng về lực cầu chiến thắng lực cung. Trên biểu đồ có thể thấy vẫn còn hai cơ hội (ngày) nữa để tham gia thị trường. Vào ngày thứ ba, sau khi kháng cự bị phá vỡ, giá đã tạo một khoảng trống giá tăng và tăng lên trên mức 56.
Vùng hỗ trợ và kháng cự
Bởi vì phân tích kỹ thuật không phải lúc nào cũng chính xác, sẽ tốt hơn nếu trader xác định kháng cự hỗ trợ bằng các VÙNG thay vì các MỨC cụ thể. Chiến lược này có vẻ không đúng với Lucent Technologies (LU), nhưng nó có thể đúng với những sản phẩm giao dịch khác. Mỗi loại sản phẩm có những đặc điểm riêng và việc phân tích nên phản ánh chi tiết các đặc điểm của một sản phẩm cụ thể. Đôi khi, các mức hỗ trợ và kháng cự cụ thể sẽ tốt hơn và đôi khi, các vùng hỗ trợ và kháng cự sẽ hoạt động tốt hơn. Nói chung, phạm vi giá càng hẹp, mức độ chính xác càng cao. Nếu phạm vi giá kéo dài dưới 2 tháng và tương đối hẹp, thì dùng mức hỗ trợ và kháng cự cụ thể sẽ phù hợp hơn. Nếu một phạm vi giá kéo dài nhiều tháng và tương đối rộng, thì tốt nhất ta nên sử dụng các vùng hỗ trợ và kháng cự. Đây chỉ là những hướng dẫn chung; mỗi phạm vi giá nên được đánh giá dựa trên giá trị riêng của chúng.

Quay trở lại ví dụ của Halliburton phía trên, biên biến động giá là tương đối lớn và chúng ta nên sử dụng VÙNG kháng cự và hỗ trợ trong trường hợp này.
Kết luận
Xác định các mức hỗ trợ kháng cự quan trọng là một bước cần thiết để phân tích của bạn có hiệu quả. Mặc dù đôi khi rất khó để xác định các mức hỗ trợ và kháng cự cụ thể, nhận thức được sự tồn tại và vị trí của chúng có thể giúp bạn cải thiện khả năng phân tích và dự báo. Nếu giá đang tiến đến một mức hỗ trợ quan trọng, đó có thể là một cảnh báo cần thận trọng hơn trước các dấu hiệu cho thấy áp lực mua đang tăng và khả năng xảy ra đảo chiều. Nếu giá đang tiến đến mức kháng cự, đó có thể là một cảnh báo cho thấy dấu hiệu áp lực bán đang tăng và khả năng xảy ra đảo chiều. Một mức hỗ trợ hoặc kháng cự bị phá vỡ báo hiệu mối quan hệ giữa cung và cầu đã thay đổi. Một sự phá vỡ kháng cự báo hiệu rằng phe mua (lực cầu) đã chiếm ưu thế và một sự phá vỡ hỗ trợ báo hiệu phe bán (lực cung) đã giành chiến thắng.
Tham khảo: Stockchart
Đăng ký nhận tin từ VNFX
Để luôn được cập nhật tình hình thị trường sớm nhất