Ở bài viết trước, chúng ta đã biết về một số thuật ngữ cơ bản để chỉ đơn vị đo lường hay chi phí khi giao dịch Forex. Trong bài viết thứ 4 của chuỗi bài viết về kiến thức Forex cơ bản này, chúng ta đến với một công cụ phổ biến liên quan đến khối lượng vào lệnh và cách vận dụng công cụ này hiệu quả trong giao dịch ký quỹ.
Lot – Khối lượng vào lệnh
Tiền tệ được giao dịch theo đơn vị Lot (lô). Lot được chia thành nhiều loại: lot tiêu chuẩn, mini lot, micro lot và lot linh hoạt (flexible lot).
Một lot tiêu chuẩn gồm 100.000 đơn vị đồng tiền cơ sở của một cặp. Số lượng này là 10.000 đơn vị với mini lot và 1000 đơn vị với micro lot. Ngược lại, lot linh hoạt cho phép trader tự chọn số lượng cụ thể đơn vị đồng tiền cơ sở để mua hoặc bán.
Tính toán Lot dựa trên số tiền cụ thể
Ví dụ, khi mua 1 micro lot cặp GBP/USD, tức là bạn đang mua 1000 Bảng và bán một lượng Đô tương ứng theo tỷ giá hối đoái.
Giả sử tỷ giá hối đoái hiện tại của GBP/USD là 2.4500 và bạn muốn mua 10.000 đô giá trị cặp tiền đó thì số lot tương đương sẽ là:
10.000 đô / 2.4500 = 4081.63 đơn vị GBPUSD ~ 4 micro lot
Nếu sàn giao dịch không có lot linh hoạt, bạn có thể làm tròn con số trên thành 4 micro lot.
Ở trên là ví dụ cho những cặp tiền định giá trực tiếp (cặp tiền với đồng Đô làm đồng tiền định giá). Nếu như muốn mua 10.000 đô cặp USD/JPY (một cặp tiền định giá ngược) thì đơn giản bạn chỉ cần mua 1 mini lot, bởi vì lúc này USD đóng vai trò là đồng tiền cơ sở.
Trong trường hợp giao dịch cặp tiền chéo, chẳng hạn, khi mua 10.000 đô trị giá của GBP/CHF, ta sẽ mua 4081.63 đơn vị GBPUSD (~ 4 micro lot như ở trên với tỷ giá hiện tại là 2.4500) và bán 1 mini lot USD/CHF.
Việc có thể sử dụng lot linh hoạt là một lợi thế lớn trong việc quản lý vốn và đáp ứng phong cách giao dịch của những trader nhỏ lẻ. Nếu chỉ sở hữu một tài khoản nhỏ, trader hãy cân nhắc lựa chọn những sàn Forex có cung cấp lot linh hoạt.
Giao dịch ký quỹ và đòn bẩy là gì?
Bạn đã bao giờ tự hỏi liệu có thể giao dịch Forex nếu giá trị lot vượt quá giá trị tài khoản của mình không? Tất nhiên bạn có thể bằng cách sử dụng đòn bẩy – một công cụ cho phép trader kiểm soát một lượng vốn lớn hơn nhiều so với lượng vốn ban đầu của trader. Việc giao dịch với đòn bẩy được gọi là giao dịch ký quỹ. Tuy nhiên, nó lại là con dao hai lưỡi. Giao dịch ký quỹ có thể giúp trader kiếm được lợi nhuận lớn nhanh chóng và đồng thời có thể gây ra thua lỗ tương ứng.
Thực tế, đòn bẩy là một hình thức tín dụng cho phép trader giao dịch bằng tiền mượn từ sàn Forex. Một trader đặt lệnh mua USD/JPY với 1 lot chuẩn không nhất thiết phải bỏ ra đủ 100.000 USD. Trader này chỉ cần đặt cọc một khoản tiền được gọi là “ký quỹ”. Mức ký quỹ tối thiểu dao động từ 100 đến 100.000 đô la và còn phụ thuộc vào sàn mà trader đang giao dịch. Số tiền ký quỹ này sẽ bị đóng băng và không thể được dùng để giao dịch cho đến khi lệnh mua nói trên được đóng. Trader đặt càng nhiều lệnh cùng lúc thì số tiền ký quỹ càng lớn; đồng nghĩa sức mua/bán của tài khoản bị giảm.
Đòn bẩy thực sự là một trong những lợi thế quan trọng trên thị trường. Trader nhỏ lẻ sẽ rất khó giúp tài khoản tăng trưởng nếu không có đòn bẩy. Tuy nhiên, nếu sử dụng đòn bẩy không đúng cách thì hậu quả sẽ rất lớn.
Hầu hết các nền tảng giao dịch đều có thể tự động đóng toàn bộ lệnh giao dịch đang được mở của bạn nếu mức ký quỹ hiện tại giảm xuống dưới mức yêu cầu tối thiểu. Động thái này được gọi là Margin Call; và khi nó xảy ra, trader chỉ còn cách nạp thêm tiền vào tài khoản giao dịch nếu muốn duy trì các lệnh đang mở.

Áp dụng đòn bẩy với cặp tiền định giá ngược (USD/JPY, USD/CHF, v.v)
Yêu cầu ký quỹ cho một lot tiêu chuẩn thường là $1.000. Khi đặt lệnh mua USD/JPY với mức ký quỹ là $5,000 tức là bạn đang nắm giữ 5 lot tiêu chuẩn trị giá $500.000. Mức đòn bẩy mà bạn đang sử dụng ở đây là 100:1: với số tiền quỹ bất kì, bạn được phép giao dịch với số tiền gấp 100 lần ($1000 x 100 = $100.000 = 1 lot tiêu chuẩn). Một số sàn Forex cho phép trader giao dịch với mức đòn bẩy 200:1, 500:1 và thậm chí lớn hơn nữa.
Để nói rõ hơn, trader cần bỏ ra ít nhất $5,000 cộng với phí spread để mua USD/JPY với 5 lot tiêu chuẩn. Và với việc đòn bẩy cho phép bạn nắm giữ số lot lớn hơn nhiều so với tài khoản thực, mức phí swap cũng sẽ lớn hơn. Đây là lý do tại sao phí swap phụ thuộc vào đòn bẩy như đã được đề cập ở bài viết trước đó.
Giả sử bạn có một tài khoản 10.000 USD và bạn đặt một lệnh mua 1 lot tiêu chuẩn USD/JPY tại một tỷ giá bất kì nào đó. Bạn sẽ phải đối mặt với Margin Call khi số dư ròng của tài khoản ít hơn 1000 đô – mức ký quỹ tối thiểu. Điều này nghĩa là khi lệnh mua bị âm 9001 USD thì nó sẽ được tự đóng tự động và số dư còn lại của tài khoản là 999 USD. Trong trường hợp có nhiều lệnh âm cùng lúc thì bạn sẽ bị Margin Call sớm hơn.
Áp dụng đòn bẩy với cặp tiền định giá trực tiếp (EUR/USD, GBP/USD, v.v)
Khác với cặp tiền định giá ngược, khi trader mua một cặp tiền định giá trực tiếp thì đơn vị lot không phải là USD. Ví dụ, khi bạn đặt một lệnh mua GBP/USD với 1 lot chuẩn nghĩa là bạn đang mua 100.000 GBP. Với đòn bẩy là 100:1 thì yêu cầu ký quỹ sẽ là 1000 GBP. Giả sử cặp GBP/USD hiện tại đang có tỷ giá là 2.0200 thì mức ký quỹ tính bằng Đô sẽ là: 2.0200 x 1000 GBP = 2020 USD.
Nếu sở hữu một tài khoản 10.000 USD thì khi lệnh mua ở trên bị âm 7981 USD, nó sẽ tự động được đóng do Margin Call.
10.000 USD – 7.981 USD = 2,019 USD < 2,020 USD → Margin Call
Đòn bẩy hiệu quả so với đòn bẩy tối đa
Không có gì là sai nếu trader lựa chọn mức đòn bẩy tối đa mà sàn Forex cho phép. Nhưng nếu trader để cho mức đòn bẩy hiệu quả gần bằng mức đòn bẩy tối đa đó thì lại là vấn đề khác.
Đòn bẩy hiệu quả được tính bằng cách lấy khối lượng của các lệnh giao dịch đang được mở chia cho số dư khả dụng của tài khoản. Theo công thức này, nếu số dư tài khoản càng giảm thì đòn bẩy hiệu quả để tiếp tục giao dịch sẽ càng lớn và có thể nó sẽ chạm đến mức đòn bẩy tối đa được cung cấp bởi sàn.
Chẳng hạn, với một lệnh có khối lượng 2 mini lot (20.000 USD) và số dư tài khoản là 1000 đô thì đòn bẩy hiệu quả là 20:1. Nếu lệnh này âm 50 pip hay 100 USD (1 pip = 1 USD/mini lot) thì số dư tài khoản sẽ giảm 10%. Mức đòn bẩy hiệu quả sẽ tăng lên nếu những lệnh tiếp theo tiếp tục tạo ra thua lỗ tương tự; và qua đó yêu cầu ký quỹ cũng lớn dần và tạo ra nhiều rủi ro hơn.
Thay vì giảm khối lượng vào lệnh để tránh rủi ro, một số trader tiếp tục tăng mức đòn bẩy, thậm chí sử dụng mức đòn bẩy tối đa của sàn để vào lệnh khối lượng lớn hơn với suy nghĩ gỡ vốn nhanh. Đương nhiên, đây là một sai lầm chết người.
Ở ví dụ trên, việc sử dụng mức đòn bẩy 20:1 để giao dịch 2 mino lot với tài khoản 1000 USD được xem là rất rủi ro. Để đạt được lợi nhuận bền vững trong dài hạn, trader cần điều chỉnh mức đòn bẩy tối đa trên mỗi lệnh giao dịch sao cho phù hợp với số dư tài khoản ban đầu. Cũng là ví dụ trên, bạn vẫn có thể sử dụng mức đòn bẩy hiệu quả là 20:1 bằng cách đặt 5 lệnh với mức đòn bẩy trên mỗi lệnh tối đa là 4:1. Nhờ cách đa dạng hóa rủi ro này, tài khoản của bạn sẽ được bảo vệ tốt hơn với nhiều lệnh giao dịch trên các cặp tiền khác nhau, thay vì đặt cược toàn bộ trong một lệnh.
Kết luận
Đòn bẩy chính là một công cụ đắc lực giúp cho trader có thể giao dịch ký quỹ với khối lượng lớn để đạt được sự tăng trưởng từ một tài khoản nhỏ. Tuy nhiên, đòn bẩy cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho các trader mới cháy tài khoản.
Những trader mới có xu hướng sử dụng đòn bẩy cực lớn mặc dù tài khoản giao dịch nhỏ, vì họ tin rằng đó là cách duy nhất để kiếm lợi nhuận nhanh và bù đắp cho những chuỗi thua lỗ. Ngược lại, những trader kinh nghiệm thường biết cân nhắc mức đòn bẩy hợp lý để biến nó thành công cụ hiệu quả.
Xem thêm:
- Giới thiệu về giao dịch Forex
- Đặc điểm của những đồng tiền và cặp tiền phổ biến trên thị trường Forex
- Tìm hiểu về spread, pip và swap trong giao dịch Forex
Tham khảo: fxstreet
Đăng ký nhận tin từ VNFX
Để luôn được cập nhật tình hình thị trường sớm nhất