Ở bài viết thứ hai trong chuỗi bài viết về kiến thức cơ bản trong lĩnh vực giao dịch Forex này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những đồng tiền được giao dịch phổ biến, ký hiệu của chúng, và phân loại một số cặp tiền.
Đặc điểm của những đồng tiền chính trên thị trường Forex
USD (US Dollar – Đồng Đô la) – Tên gọi khác: “Buck” hoặc “Greenback”

Đô la cho đến nay vẫn là đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên thế giới. Đó là vì nó là đồng tiền dự trữ chính của thế giới, khiến Đô la thường xuyên bị thay đổi về lãi suất. Đồng Đô cũng được lấy làm thước đo chung để đánh giá nhiều loại tiền tệ khác cũng như nhiều hàng hóa khác chẳng hạn như dầu hay vàng.
70% nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào tiêu dùng trong nước, khiến đồng Đô rất dễ bị ảnh hưởng bởi dữ liệu về việc làm và tiêu dùng. Bất kỳ sự sụt giảm nào trên thị trường lao động cũng đều có tác động tiêu cực đến đồng tiền này.
EUR (Euro) – Tên gọi khác: “Fiber”

Liên minh tiền tệ châu Âu là cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới. Euro là đồng tiền chung của tất cả các quốc gia trong khối liên minh này và có chung một chính sách tiền tệ do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra.
Đồng tiền này đại diện cho cả một nền kinh tế định hướng thúc đẩy thương mại và dòng vốn. Sự ra đời của đồng Euro giúp cho các ngân hàng trung ương có thể mở rộng dự trữ ngoại hối chỉ với một đồng tiền. Với vai trò là một đồng tiền dự trữ đang ngày càng phổ biến, đồng Euro cũng rất dễ bị thay đổi về lãi suất.
Tính cạnh tranh của Euro so với USD trong vai trò là đồng tiền dự trữ thường gây ra nhiều tranh cãi. Một số người cho rằng giá trị đồng EUR tăng so với USD cho thấy tầm ảnh hưởng toàn cầu của Euro đang vượt trội hơn. Số khác cho rằng đó có thể là kết quả từ sự suy yếu nội tại của đồng Đô la.
JPY (Japanese Yen) – Yên Nhật

Mặc dù thuộc nền kinh tế quan trọng thứ 3 trên thế giới, đồng Yên có ít ảnh hưởng quốc tế hơn nhiều so với đồng Đô la và Euro. Tuy vậy, nó vẫn là một đồng tiền có tính thanh khoản tương đối cao.
Là một nền kinh tế hàng đầu châu Á, đồng Yên khá nhạy cảm với những yếu tố liên quan đến thị trường chứng khoán châu Á. Do chênh lệch lãi suất giữa đồng tiền này và những đồng tiền chính khác trong nhiều năm, Yên Nhật khá nhạy cảm với những thay đổi ảnh hưởng đến “Carry Trade” (giao dịch chênh lệch lãi suất). Các nhà đầu tư sau đó đã chuyển vốn ra khỏi Nhật Bản để thu được lợi suất cao hơn. Tuy nhiên, trong thời kỳ khủng hoảng tài chính khi mà sự biến động tăng đến mức nguy hiểm, các nhà đầu tư cố cố gắng giảm thiểu rủi ro và gửi tiền vào các thị trường vốn ít rủi ro nhất, cụ thể là ở Mỹ và Nhật.
Nhật Bản là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, dẫn đến thặng dư thương mại luôn tồn tại. Thặng dư xảy ra khi xuất khẩu của một quốc gia vượt quá nhập khẩu; nhu cầu vốn có đối với Yên Nhật cũng xuất phát từ tình trạng thặng dư đó. Nhật Bản cũng là nhà nhập khẩu và tiêu thụ nguyên liệu lớn, chẳng hạn như dầu. Mặc dù Ngân hàng Nhật Bản tránh tăng lãi suất để ngăn dòng vốn tăng trong một thời gian dài, đồng Yên thường có xu hướng tăng giá. Điều này là do dòng chảy thương mại. Hãy nhớ rằng, cán cân thương mại dương cho thấy dòng vốn đang xâm nhập vào nền kinh tế với tốc độ nhanh hơn so với khi nó rời đi; do đó giá trị của đồng tiền quốc gia sẽ tăng lên.
GBP (Pound Sterling – Bảng Anh) – Tên khác: “Cable” hoặc “Sterling”

Bảng Anh từng là loại tiền tham chiếu trước Thế chiến II, vì hầu hết các giao dịch diễn ra ở Luân-Đôn. Đây vẫn là thị trường tài chính lớn nhất và phát triển nhất trên thế giới; kết quả là ngân hàng và các tổ chức tài chính đã trở thành nhân tố đóng góp mạnh mẽ cho sự tăng trưởng kinh tế quốc gia. Ngân hàng Anh (Bank of England – BOE) được biết đến là một trong những ngân hàng trung ương hiệu quả nhất trên thế giới.
Đồng bảng Anh là một trong bốn loại tiền tệ có tính thanh khoản cao nhất trong lĩnh vực Forex. Một tài sản, trong trường hợp này là tiền tệ, có tính thanh khoản cao nếu nó có thể được mua và bán dễ dàng bất cứ lúc nào nhờ khối lượng giao dịch lớn.
Mặc dù không phải loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất, 60% khối lượng ngoại hối được thực hiện ở Luân-Đôn. Tiếng tăm của chính sách tiền tệ Vương quốc Anh và lãi suất cao trong một thời gian dài đã góp phần vào sự phổ biến của loại tiền này trong thế giới tài chính.
CHF (đồng Franc Thụy Sĩ) – Tên khác: Swissy

Một số yếu tố như lịch sử trung lập về chính trị kéo dài và hệ thống tài chính an toàn với các nhà đầu tư đã giúp Thụy Sĩ và đồng tiền quốc gia trở thành điểm đến tiềm năng nhất của nguồn vốn nước ngoài.
Biến động của đồng franc Thụy Sĩ chủ yếu đến từ các sự kiện bên ngoài thay vì điều kiện kinh tế trong nước; và do đó, nó rất nhạy cảm với các dòng vốn từ những nhà đầu tư bảo thủ chảy vào các tài sản có mệnh giá Franc, trong thời kỳ e ngại rủi ro toàn cầu. Ngoài ra, phần lớn các khoản nợ từ các nền kinh tế Đông Âu được mệnh giá bằng Franc Thụy Sĩ.
CAD (Đô la Canada) – Tên khác: Loonie

Được biết đến là một quốc gia giàu tài nguyên, Canada là nhà sản xuất và cung cấp dầu lớn. Thị trường xuất khẩu hàng đầu của Canada cho đến nay vẫn là Hoa Kỳ, khiến cho đồng Loonie đặc biệt nhạy cảm với dữ liệu tiêu dùng và sức khỏe kinh tế Hoa Kỳ.
Mang đặc điểm của một nền kinh tế hàng hóa, đồng CAD khá tương quan với dầu; nghĩa là khi giá dầu có xu hướng tăng thì cặp USD/CAD có xu hướng giảm và ngược lại.
Nhưng nếu bạn ưa thích một cặp tiền thực sự nhạy cảm với giá dầu, hãy chọn CAD/JPY. Nếu Canada hưởng lợi khi giá dầu cao hơn thì nền kinh tế Nhật Bản có thể chịu ảnh hưởng bởi nước này nhập khẩu gần như toàn bộ lượng dầu mà họ tiêu thụ.
Tiền tệ hàng hóa là gì? Đó là đồng tiền của một quốc gia chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô (kim loại quý, dầu mỏ, nông nghiệp, v.v.). NZD, AUD và CAD là những loại tiền tệ hàng hóa tiêu biểu. Chúng còn được gọi là “Đô la hàng hóa” hoặc “Comdolls”.
AUD (Đô la Úc) – Tên khác: Aussie

Úc là một nước xuất khẩu lớn sang Trung Quốc. Nền kinh tế và đồng tiền của quốc gia này phản ánh những thay đổi trong tình hình ở Trung Quốc; vì thế AUD có mối tương quan với thị trường chứng khoán Thượng Hải. Nó cũng có mối tương quan với vàng; cụ thể, cặp AUD/USD thường tăng và giảm cùng với giá vàng. Trong thế giới tài chính, vàng được xem là tài sản trú ẩn an toàn chống lại lạm phát và cũng là một trong những mặt hàng được giao dịch nhiều nhất. Giống như NZD và CAD, AUD được coi là loại tiền tệ hàng hóa.
Hàng hóa (khoáng sản và nông sản) chiếm phần lớn tổng kim ngạch xuất khẩu của Úc khiến cho đồng AUD tăng giá trong thời kỳ mở rộng toàn cầu và giảm khi giá khoáng sản sụt giảm.
New Zealand (Đô la New Zealand) – Tên khác: Kiwi

Tương tự như Úc, New Zealand cũng là nền kinh tế định hướng thương mại và xuất khẩu hàng hóa. Theo ước tính từ một cuộc khảo sát 3 năm một lần của BIS (ngân hàng thanh toán quốc tế) vào năm 2007, NZD chiếm tỷ lệ giao dịch hàng ngày là 1,9% tổng giao dịch Forex, sau đồng Krone Na Uy, Đô la Hồng Kông và Krone Thụy Điển.
Cùng với Đô la Úc, Đô la New Zealand trong nhiều năm qua đã trở thành công cụ truyền thống để thực hiện Carry Trade (giao dịch chênh lệch lãi suất), khiến đồng tiền này cũng rất nhạy cảm với những thay đổi về lãi suất. Trong năm 2007, NZD đã vượt AUD về khối lượng giao dịch chênh lệch lãi suất so với Yên Nhật.
Phân loại các cặp tiền tệ
Cặp tiền chính
- US Dollar / Japanese Yen (USD/JPY)
- Euro / US Dollar (EUR/USD)
- Pound Sterling / US Dollar (GBP/USD)
- US Dollar / Swiss Franc (USD/CHF)
- US Dollar / Canadian Dollar (USD/CAD)
- Australian Dollar / US Dollar (AUD/USD)
- New Zealand / US Dollar (NZD/USD)
Những cặp tiền chính chiếm phần lớn trong tổng số giao dịch hàng ngày trên thị trường Forex. Trong đó, EUR/USD là cặp tiền có tính thanh khoản cao nhất; và tất cả những cặp tiền có chứa đồng EUR đều có tính thanh khoản cao.
Đối với trader, cơ hội giao dịch tốt nhất nằm ở những cặp tiền tệ chính, bởi vì chúng được giao dịch thường xuyên hơn và do đó có tính thanh khoản cao hơn.
Cặp tiền chéo
Các cặp tiền không chứa đồng Đô la được gọi là cặp tiền chéo, chẳng hạn như GBP/JPY, EUR/JPY, EUR/CAD hay AUD/NZD. Khi mua/bán một cặp tiền tệ chéo, đừng quên rằng đồng Đô la, mặc dù không có trong cặp tiền, vẫn ảnh có hưởng đến biến động của một cặp tiền chéo.
Ví dụ, khi bạn đặt lệnh mua cặp EUR/JPY đồng nghĩa với việc bạn đang mua EUR/USD và đồng thời mua USD/JPY. Để xây dựng một cặp tiền chéo, các nhà giao dịch liên ngân hàng phải kết hợp hai lệnh giao dịch trên các nền tảng khác nhau. Đó là lý do tại sao các cặp tiền tệ chéo thường có chi phí giao dịch cao hơn.

Cặp tiền ngoại lai
- USD/SEK (Đô la Mỹ / Krone Thụy Điển)
- USD/NOK (Đô la Mỹ / Krone Na Uy)
- USD/DKK (Đô la Mỹ / Krone Đan Mạch)
- USD/HKD (Đô la Mỹ / Đô la Hồng Kông)
- USD/ZAR (Đô la Mỹ / Rand Nam Phi)
- USD/THB (Đô la Mỹ / Baht Thái)
- USD/SGD (Đô la Mỹ / Đô la Singapore)
- USD/MXN (Đô la Mỹ / Peso Mexico)
Đây là những cặp tiền có chứa đồng Đô và đồng tiền của một nền kinh tế nhỏ hơn hoặc mới nổi. Những cặp này được giao dịch tương đối mỏng và chúng cũng có chi phí giao dịch cao.
Lưu ý khi lựa chọn cặp tiền để giao dịch
Nếu bạn đang giao dịch cùng lúc vài cặp tiền thì hãy cẩn thận tình trạng mua/bán trùng nhau để tránh chịu thêm rủi ro. Ví dụ, việc bạn mua EUR/USD và đồng thời bán USD/CHF nghĩa là bạn đang làm một việc hai lần, bởi hai cặp tiền này gần như tương quan với nhau.
Bạn nên theo dõi một số cặp tiền và chỉ giao dịch một cặp. Ví dụ như theo dõi cặp EUR/GBP khi giao dịch GBP/USD, bởi EUR/GBP thường là một chỉ báo tốt để đánh giá sức mạnh của GBP.
Xem thêm:
Tham khảo: fxstreet
Đăng ký nhận tin từ VNFX
Để luôn được cập nhật tình hình thị trường sớm nhất