Trước khi chúng ta cùng khám phá thêm các giá trị mà quản lý vốn mang lại, điều quan trọng mà trader cần hiểu là làm thế nào để quản lý tiền một cách hợp lý; và không phải chiến lược quản lý tiền nào cũng phù hợp với mọi trader. Một số cách quản lý vốn được nêu trong bài viết này mang lại tiềm năng tăng trưởng trong khi các chiến lược khác thiên về kiểm soát rủi ro. Trader cần tìm ra chiến lược nào phù hợp với hệ thống giao dịch mình sử dụng.
Pyramiding (Averaging Up) – Chiến lược Kim tự tháp
Pyramiding là chiến lược gia tăng khối lượng (hay còn gọi là nhồi lệnh) sau khi lệnh giao dịch có lợi nhuận. Ví dụ, sau mỗi lần giá di chuyển với một lượng pip nhất định thuận theo hướng mà bạn mở lệnh, bạn có thể mở thêm một lệnh 1 lot cùng hướng. Nếu bạn sử dụng Total Equity (có tính đến lợi nhuận hiện tại của lệnh đang mở) để tính toán khối lượng vào lệnh, thì khối lượng cho mỗi lệnh được thêm về sau sẽ lớn dần.
Lợi ích của chiến lược Kim tự tháp
Chiến lược này giúp trader khai thác tối đa lợi nhuận tiềm năng từ một xu hướng mạnh.
Nếu sử dụng chiến lược này đúng cách, trader sẽ kiếm được mức lợi nhuận lớn đủ để bù đắp cho những khoản thua lỗ không đáng kể.
Nhược điểm của chiến lược Kim tự tháp
Nhồi lệnh có thể mang lại lợi nhuận lớn và cũng tiềm ẩn rủi ro tương ứng. Nếu giá thoái lui 50% sau khi bạn đặt thêm một lệnh cùng hướng với lệnh đang có lợi nhuận, giao dịch của bạn sẽ ở mức hòa vốn. Nhưng nếu lệnh thứ hai có khối lượng lớn hơn lệnh ban đầu, bạn sẽ rơi vào trạng thái thua lỗ.
Tệ hơn nữa, nếu bạn tiếp tục nhồi lệnh mà không nhận ra rằng thị trường đang lập đỉnh/đáy thì đó sẽ là một thảm họa.
Một cách để hạn chế nhược điểm của chiến lược Kim tự tháp là giảm khối lượng ở những lệnh tiếp theo. Bằng cách này, bạn vẫn có thể khai thác thêm lợi nhuận tiềm năng; đồng thời duy trì được vị thế giao dịch có lợi nhuận trong những đợt điều chỉnh giá.
Averaging Down (Cost Averaging) – Chiến lược trung bình giá xuống
Ngược lại với chiến lược Kim tự tháp, chiến lược trung bình giá xuống nói về việc gia tăng khối lượng khi lệnh giao dịch đang ở trạng thái âm. Ý tưởng của chiến lược này là giúp cho trader đi theo xu hướng thị trường dài hạn và tránh được rủi ro từ những điều kiện bất lợi trong ngắn hạn.
Thực tế, chiến lược này có nhiều biến thể phức tạp, bao gồm việc liên tục mua vào một sản phẩm tài chính với một lượng cố định. Rất nhiều nhà quản lý quỹ tương hỗ áp dụng chiến lược này và thậm chí không cần đọc biểu đồ.
Lợi ích của chiến lược trung bình giá
Chiến lược trung bình giá xuống giúp trader khai thác lợi nhuận từ những con sóng điều chỉnh trong ngắn hạn. Ngoài ra, nó giúp trader bảo vệ vị thế giao dịch tiềm năng khỏi những biến động giá bất thường trước khi thị trường di chuyển theo hướng phân tích.
Nhược điểm của chiến lược trung bình giá xuống
Trung bình giá xuống đòi hỏi trader cần có thế mạnh về nguồn vốn để có thể vượt qua những biến động tạm thời của thị trường mà không tổn thất quá nhiều. Với một trader giới hạn về vốn hay sử dụng mức đòn bẩy quá cao, đây là chiến lược không phù hợp.
Đây là chiến lược được sử dụng phổ biến hơn trong thị trường chứng khoán. Với thị trường Forex, trung bình giá sẽ phức tạp hơn bởi vì nó không chỉ liên quan đến tỷ giá của cặp tiền mà còn liên quan đến đơn vị tiền tệ của tài khoản.
Chiến lược này có thể gây tổn thất lớn khi xu hướng di chuyển ngược lại mạnh mẽ hơn so với kỳ vọng. Trong những trường hợp như vậy, trader cũng không thể sử dụng stoploss vì nó phản tác dụng với mục đích của cách quản lý vốn này.
Value Averaging – Chiến lược trung bình giá trị
Trung bình giá trị là chiến lược đầu tư một khoản tiền nhất định (không cố định) theo chu kỳ (tháng, quý hoặc năm) để hoàn thành mục tiêu về giá trị danh mục đầu tư (hay tài khoản giao dịch). Để hiểu rõ hơn về chiến lược này, chúng ta hãy đến với một ví dụ như sau.
Một nhà đầu tư hay trader đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng danh mục đầu tư là 500 đô mỗi năm; và trong năm đầu tiên anh ta mua một lượng tiền bất kỳ nào đó có giá trị 500 đô. Sang năm thứ hai, số tiền mà anh ta mua tăng từ 500 đô lên 600 đô; vì thế lúc này, anh ta chỉ cần mua thêm 400 đô để đạt được giá trị danh mục đầu tư mục tiêu là 1000 đô. Đến năm thứ 3, số tiền trị giá 1000 đô trước đó giảm xuống còn 900 đô; và lúc này, nhà đầu trên cần phải mua thêm 600 đô để đạt giá trị danh mục đầu tư mục tiêu là 1500 đô.
Ưu điểm của chiến lược trung bình giá trị
Chiến lược này cung cấp lợi nhuận ổn định hơn so với chiến lược Averaging Down nhờ yếu tố giá trị gia tăng.
Quyết định giao dịch hay đầu tư khi áp dụng chiến lược này không bị ảnh hưởng bởi tâm lý.
Đây cũng là chiến lược tốt cho các trader giao dịch trung hạn, bằng cách rút ngắn chu kỳ xuống còn một tháng hoặc một tuần.
Nhược điểm của chiến lược trung bình giá trị
Chiến lược này cũng đòi hỏi nhà đầu tư phải có nền tẳng vốn tốt để có thể duy trì mục tiêu tăng trưởng trong danh mục đầu tư bất cấp những biến động giá lớn. Về cơ bản, chiến lược trung bình giá trị buộc các nhà đầu tư phải tham gia thị trường khi giá giảm, nhưng nó cũng buộc họ phải mua khi giá cao.
Số tiền mà nhà đầu tư hay trader phải bỏ ra để duy trì giá trị danh mục đầu tư hay tài khoản giao dịch phụ thuộc vào mức độ tăng trưởng hay giảm sút của lượng tiền mà anh ta nắm giữ. Chúng ta quay lại với ví dụ ở trên. Sau một vài năm, giá trị danh mục đầu tư của trader/nhà đầu tư nói trên tăng lên 12.000 đô. Nhưng ngay trong năm tiếp theo, giá trị này tuột dốc xuống còn 8000 đô; như vậy, số tiền mà anh ta phải mua thêm là 4.500 để đạt mục tiêu 12.500 đô.
Martingale
Một hệ thống giao dịch lý tưởng là hệ thống cho phép bạn bắt đầu với số vốn nhỏ và tạo ra được lợi nhuận trong dài hạn. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ đến một cách quản lý vốn liên quan đến việc gia tăng khối lượng vào lệnh sau mỗi lần thua lỗ, thì sẽ chẳng có hệ thống giao dịch nào phù hợp với chiến lược ấy cả.
Chiến lược quản lý vốn mà chúng ta vừa đề cập có tên là Martingale; và nó thường được áp dụng bởi những người đánh bạc. Họ cho rằng việc cần làm sau mỗi lần thua lỗ là rủi ro nhiều tiền hơn. Cụ thể, khối lượng vào lệnh sẽ được nhân đôi so với khối lượng của lệnh thua trước đó. Quy trình nhân đôi này tiếp tục cho đến khi bạn có được một lệnh thắng. Và chỉ cần một lệnh thắng, trader có thể bù đắp mọi thua lỗ trước đó và thậm chí kiếm được lợi nhuận lớn.
Do đây là chiến lược được sử dụng bởi những người đánh bạc; nên về cơ bản nó không hề được nhìn nhận như một cách quản lý vốn chính thống. Chiến lược này chỉ có tác dụng nếu nguồn vốn của bạn là vô hạn. Tất nhiên, đây là điều không tưởng; và như chúng ta đã biết trong bài viết đầu tiên: không ai có thể biết trước được chuỗi thua lỗ sẽ kéo dài bao lâu.
Anti-Martingale hoặc Reverse-Martingale
Cái tên đã cho thấy rằng đây là chiến lược ngược lại so với Martingale, đó là: trader sẽ rủi ro nhiều hơn sau mỗi lệnh thắng và rủi ro ít hơn sau mỗi lệnh thua. Đây cũng là mục tiêu mà rất nhiều phương pháp quản lý vốn phổ biến hướng đến.
Lợi ích của Anti-Martingale là nó giúp trader bảo vệ được lợi nhuận và giới hạn tổn thất từ chuỗi thua lỗ. Đây là mục tiêu chính mà rất nhiều phương pháp quản lý vốn hướng đến. Nhược điểm chính của chiến lược này là nó làm giảm khả năng phục hồi tài khoản sau một chuỗi thua lỗ.
Kết luận
Trên đây là một số chiến lược quản lý vốn phổ biến giúp trader tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu thua lỗ trong giao dịch. Việc nên lựa chọn chiến lược nào phụ thuộc vào hệ thống giao dịch mà bạn đang sử dụng và số vốn ban đầu mà bạn có. Trong khi mỗi chiến lược đều có lợi ích và nhược điểm riêng, Martingale là chiến lược tiềm ẩn rủi ro lớn nhất và thường không được khuyến nghị sử dụng.
Tham khảo: fxstreet
Xem thêm:
Đăng ký nhận tin từ VNFX
Để luôn được cập nhật tình hình thị trường sớm nhất