Chỉ báo CMF là gì?
Chỉ báo CMF (Chaikin Money Flow – tạm dịch: Dòng tiền Chaikin) là chỉ báo đo lường khối lượng dòng tiền trong một chu kỳ nhất định. Được phát triển bởi Marc Chaikin, chỉ báo CMF dao dộng lên xuống quanh mức 0 và là một công cụ để trader đánh giá áp lực mua/bán dựa trên sự thay đổi dòng tiền.
Công thức tính chỉ báo CMF
Chỉ báo CMF được cài đặt mặc định ở 20 kỳ và gồm các bước tính toán như sau:
1. Hệ số dòng tiền = [(giá đóng cửa – giá thấp nhất) – (giá cao nhất – giá đóng cửa)] / (giá cao nhất – giá thấp nhất) 2. Khối lượng dòng tiền = Hệ số dòng tiền x Khối lượng giao dịch mỗi kỳ 3. CMF 20 kỳ = Tổng khối lượng dòng tiền trong 20 kỳ / Tổng khối lượng giao dịch trong 20 kỳ |
Lưu ý: CMF không phải chỉ báo có sẵn trên MT4, do đó trader cần tải về theo phần đính kèm ở cuối bài và cài đặt theo hướng dẫn tại đây.
Dưới đây là ví dụ thực tế về chỉ báo CMF trên biểu đồ ngày của Research in Motion (RIMM).

Lưu ý: hệ số dòng tiền phụ thuộc vào vị trí đóng cửa của thanh giá. Chính vì thế, đôi khi đường CMF sẽ thiếu đồng nhất với giá như trên biểu đồ CLX dưới đây. Mặc dù áp lực bán là khá rõ ràng khi giá tạo một gap down, nhưng giá đóng cửa gần đỉnh của thanh giá, dẫn đến CMF dốc lên.

Chúng ta có một trường hợp ngược lại trên biểu đồ TRV sau đây.

Chỉ báo CMF được sử dụng như thế nào?
1. Đánh giá áp lực mua bán
Đường CMF cắt lên trên hoặc nằm trên mức 0 thể hiện áp lực mua đang kiểm soát thị trường, và ngược lại, cắt xuống dưới hoặc nằm dưới mức 0 phản ánh áp lực bán đang chiếm ưu thế.
Thực tế, rất nhiều trong số những tín hiệu cắt lên hoặc cắt xuống mức 0 của CMF là tín hiệu sai, đặc biệt là khi giá không có xu hướng rõ ràng hay biến động mạnh. Để giảm thiểu sai số, trader có thể sử dụng 2 mức -0.05 và +0.05 thay cho mức 0 như trên biểu đồ Freeport McMoran (FCX) dưới đây.

Mũi tên xanh đánh dấu thời điểm đường CMF cắt lên trên mức +0.05 từ vùng dưới -0.05 (áp lực mua), còn mũi tên đỏ đánh dấu điểm CMF cắt xuống mức -0.05 từ vùng trên +0.05 (áp lực bán). Từ tháng 2 đến tháng 12, CMF cắt lên xuống mức 0 ít nhất 10 lần, trong khi chỉ cắt hai mức -0.05 và +0.05 3 lần. So với tín hiệu giao cắt mức 0, những tín hiệu còn lại trễ hơn nhưng chúng giảm thiểu độ nhiễu đáng kể.
Lưu ý khi sử dụng chỉ báo CMF trong xu hướng mạnh
Biểu đồ Harley-Davidson (HOG) dưới đây xuất hiện một vài tín hiệu khá tốt, ở chỗ giá chạy rất mạnh sau đó. Tuy nhiên chúng ta vẫn có một tín hiệu giao cắt tăng sai vào tháng 6, và điều này không có gì lạ khi trước đó là một đợt giảm mạnh.

Như vậy khi sử dụng CMF, trader cần để ý dấu hiệu của xu hướng chính dựa vào hành động giá hay một chỉ báo theo xu hướng. Điều này một lần nữa đúng với mô hình nêm giảm (mô hình tăng giá) hình thành trong tháng 8 trên biểu đồ HOG. Sau khi mô hình này bị phá vỡ, trader chỉ nên giao dịch theo giao cắt tăng từ CMF (CMF cắt lên trên mức +0.05) và bỏ qua tín hiệu giao cắt giảm.
Lưu ý khi sử dụng chỉ báo CMF trong thị trường bất ổn
Trader có thể sử dụng CMF trong một thị trường đi ngang, ngoại trừ một số trường hợp như trên biểu đồ P.F. Chang’s (PFCB) dưới đây. Có tổng cộng khoảng 18 tín hiệu giao cắt từ tháng 2 đến tháng 11; trong đó có rất nhiều tín hiệu sai. Để lọc bỏ tín hiệu sai, hãy tìm xu hướng chính và đi theo nó. Đáng buồn là xu hướng trên biểu này không rõ ràng, khiến việc giao dịch theo tín hiệu giao cắt từ CMF trở nên rủi ro hơn.

2. Tín hiệu phân kỳ
Phân kỳ là tín hiệu đảo chiều tiềm năng thường xuất hiện khi chỉ báo chuyển động không đồng bộ với giá.
Phân kỳ giảm xảy ra khi giá hình thành những đỉnh cao hơn nhưng chỉ báo CMF tạo ra những đỉnh thấp hơn. Ngược lại, phân kỳ tăng xảy ra khi giá hình thành những đáy thấp hơn trong khi CMF tạo ra những đáy cao hơn.
Biểu đồ GBP/AUD dưới đây minh họa thực tế hai tín hiệu này. Mũi tên xanh đánh dấu phân kỳ tăng, và mũi tên đỏ đánh dấu phân kỳ giảm.

Giống như nhiều chỉ báo khác, khi sử dụng CMF, trader cần tránh giao dịch theo những tín hiệu chống lại xu hướng chính. Chẳng hạn như tín hiệu phân kỳ giảm xuất hiện bên trong một xu hướng tăng trên biểu đồ GBP/AUD dưới đây. Trader cần nhớ rằng: giao dịch đảo chiều phức tạp và rủi ro hơn nhiều so với giao dịch theo xu hướng.

Kết luận về chỉ báo CMF
Do là một chỉ báo đo lường áp lực mua bán dựa trên khối lượng dòng tiền, CMF có thể được sử dụng kết hợp với một chỉ báo dao động theo giá thuần túy như MACD, RSI hay đường trung bình động. Ngoài ra, mô hình giá cũng có thể xác nhận độ tin cậy cho tín hiệu từ chỉ báo này.
Tham khảo: Stockchart
Đăng ký nhận tin từ VNFX
Để luôn được cập nhật tình hình thị trường sớm nhất