Chỉ báo ATR là gì?
ATR (Average True Range – tạm dịch: trung bình biên độ chính xác) là chỉ báo đo mức độ biến động của thị trường. Chỉ báo ATR được giới thiệu trong cuốn New Concepts in Technical Trading Systems xuất bản năm 1978 của J. Welles Wilder, cũng là cha đẻ của chỉ báo này.
Sự ưu việt của chỉ báo ATR là nó có thể đo lường chính xác mức độ biến động thị trường ngay cả khi thị trường xuất hiện những khoảng trống giá (gap) hay di chuyển trong biên độ hẹp.
Cách thêm ATR trên MT4:
Insert -> Indicators -> Oscillators -> Average True Range

Diễn giải về chỉ báo ATR
1. Biên độ chính xác – True Range (TR)
Có ba phương pháp đo biên độ chính xác:
- Phương pháp 1: Giá cao nhất/đỉnh hiện tại – Giá thấp nhất/đáy hiện tại
- Phương pháp 2: Giá cao nhất/đỉnh hiện tại – Giá đóng cửa trước đó (giá trị tuyệt đối)
- Phương pháp 3: Giá thấp nhất/đáy hiện tại – Giá đóng cửa trước đó (giá trị tuyệt đối)
Phương pháp 1 được sử dụng khi biên độ đỉnh-đáy kỳ hiện tại bao trùm biên độ đỉnh-đáy kỳ trước đó, cụ thể, đỉnh hiện tại cao hơn đỉnh trước đó và giá hiện tại thấp hơn đáy trước đó.
Phương pháp 2 và 3 được sử dụng khi thị trường xuất hiện khoảng trống giá hoặc khi biên độ đỉnh-đáy hiện tại nằm trong phạm vi đỉnh-đáy trước đó. Dưới đây là 3 trường hợp ví dụ:

2. Công thức tính
Chỉ báo ATR được cài đặt mặc định ở 14 kỳ và có công thức tính như sau:
Giá trị ATR hiện tại = [(Giá trị ATR trước đó x 13) + Giá trị TR hiện tại] / 14 |
3. Giá trị ATR tuyệt đối
Chỉ báo ATR được tính toán dựa trên giá trị TR (biên độ chính xác), và giá trị TR được tính toán dựa trên biến động giá tuyệt đối. Điều này có nghĩa là giá trị ATR phản ánh biến động giá tuyệt đối và phụ thuộc vào giá thị trường, cụ thể: những cặp tiền tệ có tỷ giá càng cao thì giá trị ATR trên thang đo càng lớn. Ở ví dụ dưới đây, vì tỷ giá USD/JPY lớn hơn tỷ giá EUR/USD nên giá trị ATR trên thang đo ở biểu đồ USD/JPY sẽ lớn hơn giá trị ATR ở biểu đồ EUR/USD.


Một số trader nghĩ rằng giá trị ATR ở hai biểu đồ trên cho thấy cặp USD/JPY có mức biến động lớn hơn cặp EUR/USD. Nhưng khi nhìn vào đường ATR ta dễ thấy hai cặp này đang biến động khá cao tương đương nhau. Giá trị ATR trên thang đo được quyết định bởi giá thị trường, nên nó không dùng để so sánh mức biến động giá giữa các sản phẩm giao dịch.
4. Độ nhạy của chỉ báo ATR
Trader có thể điều chỉnh thông số chu kỳ để thay đổi độ nhạy của chỉ báo ATR.
Chu kỳ càng nhỏ thì ATR càng nhạy bén với giá nhưng cho nhiều tín hiệu nhiễu. Ngược lại ATR với chu kỳ càng lớn sẽ di chuyển mượt hơn, ít tín hiệu nhiễu hơn nhưng tín hiệu xuất hiện khá trễ. Hai biểu đồ giá dưới đây thể hiện điều này bằng việc so sánh ATR chu kỳ 7 với ATR chu kỳ 28.


Chỉ báo ATR được sử dụng như thế nào?
1. Đo mức biến động thị trường
Hãy phân tích hai vùng giá trên biểu đồ cặp tiền USD/JPY dưới đây. Ở vùng giá giảm màu hồng nhạt, đường ATR dốc lên (giá trị ATR tăng) cho thấy mức biến động giá lớn hay xu hướng hiện tại (xu hướng giảm) đang mạnh. Lưu ý: điều này cũng đúng với xu hướng tăng. Ngược lại, đường ATR ở vùng màu tím đang dốc xuống (giá trị ATR giảm) thể hiện mức biến động nhỏ hay xu hướng giảm hiện tại đang yếu hoặc đi ngang.

Với chỉ báo ATR, trader có thể xác định sức mạnh của xu hướng để cân nhắc có nên vào lệnh hay không.
2. Tính toán điểm chốt lời và cắt lỗ
Giá trị ATR cho ta biết mức biến động mà giá có thể đạt được, nhờ đó chúng ta biết nên đặt điểm chốt lời hay cắt lỗ ở đâu.

Giá trị ATR trên biểu đồ EUR/USD trên đây là 125 pips, vì thế trader có thể đặt mức chốt lời (đường nét đứt xanh lục) cho lệnh mua (đường nét đứt xanh lam) cách đó 125 pips. Khi giá quay đầu giảm và ATR dốc xuống, trader có thể đặt dừng lỗ cho lệnh mua ở trên theo giá trị ATR lúc đó.
Kết luận
ATR không phải là một chỉ báo xu hướng như MACD hay RSI, mà nó phản ánh mức độ quan tâm đến một xu hướng bằng cách đo lường sự biến động. ATR tăng lên thể hiện một xu hướng mạnh, và ngược lại ATR giảm thể hiện xu hướng yếu hoặc đi ngang.
Cách hiểu trên có thể được áp dụng với giao dịch đảo chiều. Trong xu hướng giảm, một sóng tăng với ATR tăng cho thấy áp lực mua khá mạnh và xu hướng có thể sắp đảo chiều tăng. Ngược lại, trong xu hướng tăng, sóng giảm với ATR tăng thể hiện áp lực bán mạnh và một sự đảo chiều giảm có thể sắp xảy ra.
Tham khảo: Stockchart, Traderviet
Đăng ký nhận tin từ VNFX
Để luôn được cập nhật tình hình thị trường sớm nhất