Chỉ báo ADL là gì?
Chỉ báo ADL (Accumulation Distribution Line – tạm dịch: Đường tích lũy phân phối) dựa trên khối lượng giao dịch để đo lường tổng dòng tiền đổ vào hoặc thoát ra một sản phẩm giao dịch. Marc Chaikin – cha đẻ của chỉ báo ADL ban đầu gọi chỉ báo này là “Cumulative Money Flow Line”. Chỉ báo này được sử dụng để củng cố xu hướng hoặc dự báo đảo chiều theo tín hiệu phân kỳ.
Cách thêm ADL trên MT4:
Insert -> Indicators -> Volumes -> Accumulation/Distribution

Diễn giải về chỉ báo ADL
1. Công thức tính
1. Hệ số dòng tiền = [(giá đóng cửa – giá thấp nhấp) – (giá cao nhất – giá đóng cửa)] / (giá cao nhất – giá thấp nhất) 2. Khối lượng dòng tiền = Hệ số dòng tiền x Khối lượng giao dịch trong một chu kỳ 3. ADL = ADL trước đó + Khối lượng dòng tiền kỳ hiện tại |
Dưới đây là một ví dụ về chỉ báo này trên biểu đồ thực tế. Những cột màu vàng cho thấy ADL sẽ có giá trị âm khi giá đóng cửa gần đáy, có giá trị dương khi giá đóng cửa gần đỉnh và gần bằng 0 khi đóng cửa ở giữa biên độ đỉnh đáy.

2. So sánh với chỉ báo OBV
Chỉ báo ADL và chỉ báo OBV đều là những chỉ báo khối lượng, nhưng do chúng có công thức tính khác nhau nên đôi khi, bước di chuyển của chúng sẽ khác nhau. Trong khi OBV cộng thêm hoặc trừ đi khối lượng giao dịch của phiên kế tiếp, ADL chỉ quan tâm đến vị trí của giá đóng cửa so với biên độ đỉnh đáy. Biểu đồ CLX dưới đây sẽ giúp chúng ta hình dung rõ hơn sự khác nhau này.

Vùng màu vàng đánh dấu một cây nến giảm dài xuất hiện sau gap down và đi kèm với khối lượng giao dịch lớn. Vì đây là một ngày giảm điểm nên giá trị OBV sẽ trừ đi khối lượng giao dịch của ngày đó, và đường OBV dốc xuống. Tuy nhiên, vị trí của giá đóng cửa lại gần đỉnh nến, nên ADL mang giá trị dương và vẫn tăng.
Chỉ báo ADL được sử dụng như thế nào?
1. Củng cố nhận định về xu hướng
Nhận định về xu hướng tăng sẽ được củng cố đáng kể khi đường ADL dốc lên trên, và ngược lại với xu hướng giảm. Trong biểu đồ USD/JPY dưới đây, các mũi tên xanh và đỏ thể hiện những giao đoạn mà xu hướng giá có được sự đồng nhất với xu hướng của đường ADL.

2. Phát hiện tín hiệu phân kỳ
Phân kỳ xảy ra khi chỉ báo kỹ thuật biến động ngược lại so với giá và là một tín hiệu dự báo đảo chiều. Về lý thuyết, phân kỳ giảm xảy ra khi giá tạo những đỉnh cao hơn nhưng chỉ báo ADL hình thành những đỉnh thấp hơn. Ngược lại, phân kỳ tăng xảy ra khi giá tạo ra những đáy thấp hơn nhưng ADL hình thành những đáy cao hơn. Dưới đây là ví dụ về phân kỳ giảm trên biểu đồ EUR/USD và phân kỳ tăng trên biểu đồ CAD/JPY.


Thực tế, giá không phải lúc nào cũng đảo chiều sau tín hiệu phân kỳ, đặc biệt là trong một xu hướng mạnh. Biểu đồ CAD/CHF dưới đây cho chúng ta một ví dụ về tín hiệu phân kỳ tăng không hiệu quả khi xuất hiện trong một xu hướng giảm lớn.

3. Lưu ý khi sử dụng chỉ báo ADL
Đường ADL không phải lúc nào cũng di chuyển đồng nhất với giá hay tạo ra một tín hiệu phân kỳ chuẩn. Để hình dung rõ hơn, hãy xem một ví dụ trên biểu đồ GCI sau đây.

Có thể thấy trong hầu hết cả một xu hướng giảm dài, đường ADL không hề di chuyển cùng hướng với giá. Trong trường hợp này, chỉ báo ADL được coi là không hiệu quả. Đây chính là lý do trader không bao giờ nên chỉ sử dụng duy nhất một công cụ phân tích.
Kết luận
Đường tính lũy phân phối được sử dụng để đánh giá khối lượng giao dịch tổng thể, từ đó giúp trader phát hiện sự hiện diện của áp lực mua bán nhờ vào độ dốc của chỉ báo. ADL cũng được sử dụng để tìm kiếm sự đảo chiều tiềm năng qua tín hiệu phân kỳ. Tuy nhiên, đường ADL đôi khi sẽ di chuyển không đồng nhất với giá nên trader cần kết hợp sử dụng những công cụ phân tích khác như chỉ báo động lượng, mô hình giá, v.v để phân loại những tín hiệu sai từ chỉ báo này.
Tham khảo: Stockcharts
Đăng ký nhận tin từ VNFX
Để luôn được cập nhật tình hình thị trường sớm nhất